Được hỗ trợ bởi google Dịch
 
BADACO

NHNN nới room tín dụng: Tin vui cho thị trường cuối năm, BĐS được tiếp sức

Thứ Hai, 12/12/2022
BADACO

(VTC News) - Chuyên gia phân tích, việc NHNN nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% sẽ giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn, yên tâm sản xuất, các dự án bất động sản tốt được tiếp sức.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có động thái cấp tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng 1,5 - 2% nhằm mục tiêu an toàn hoạt động, thanh khoản đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2023.

Chính sách phù hợp, tiếp sức cho doanh nghiệp

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, có ba lý do chính khiến NHNN có động thái này. Đó là: Bối cảnh, áp lực bên ngoài về lạm phát, lãi suất và tỷ giá đã dịu bớt khá nhiều (ở trong nước, lạm phát được kiểm soát khá tốt, áp lực tăng lãi suất và tỷ giá cũng dịu dần); Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã tốt lên với việc tiền gửi của dân cư tăng trở lại; Nhu cầu vốn để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất – kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thanh khoản cuối năm của doanh nghiệp và người dân hiện rất lớn.

NHNN nới room tín dụng: Tin vui cho thị trường cuối năm, BĐS được tiếp sức - 1

Nới room tín dụng giúp các doanh nghiệp sản xuất dễ tiếp cận vốn để thúc đẩy sản xuất dịp cuối năm. (Ảnh minh họa)

Theo ông Lực, việc cấp tiếp hạn mức tín dụng, sẽ có những tác động tích cực là góp phần giải tỏa một phần nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tăng trưởng cuối năm và đầu năm tới.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định chính sách này của NHNN là hợp lý và đúng thời điểm. Thực tế, room tín dụng hiện nay vẫn còn 2% và sẽ chỉ phân bổ cho một số ngân hàng thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp. Bên cạnh đó, chúng ta đang giữ ổn định kinh tế vĩ mô rất tốt, tỷ giá giữa VND với USD tương đối ổn định, mức độ mất giá giữa VND so với USD đã về khoảng 4-5%. Điều này rất tốt cho cả xuất khẩu, nhập khẩu và cho nền kinh tế.

Ông Thịnh cũng cho rằng, một số doanh nghiệp, cá nhân có thể lo lắng việc nới room tín dụng sẽ đẩy lãi suất vào một cuộc đua mới. 

“Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta cũng không cần quá lo lắng bởi trong thời gian vừa qua khi room tín dụng chưa được nới thêm thì các ngân hàng đã tự củng cố tiềm lực của mình. Thêm nữa, lãi suất dù có tăng nhưng NHNN không tăng lãi suất huy động, đồng thời bơm các nguồn vốn giá rẻ qua thị trường mở cho các ngân hàng để từ đó trung hòa nguồn vốn. Song song đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại cố gắng giữ mặt bằng lãi suất. Thậm chí cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa rồi còn có động thái hạ lãi suất cho vay. Do đó, việc nới room tín dụng này không ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng lãi suất đặc biệt là lãi suất cho vay”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.

Còn TS. Nguyễn Hồng Minh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích: "Chính sách này là hợp lý. Thậm chí theo tôi, việc nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% giống như “muối bỏ bể" đối với thị trường doanh nghiệp rộng lớn hiện tại".

Cần hướng đến bất động sản

Theo ông Minh, việc NHNN cấp tiếp hạn mức tín dụng lần này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất thuần Việt được hưởng lợi. Trong đó, NHNN hiện đang chú trọng đến các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng lĩnh vực bất động sản hiện cũng đang rất cần được tiếp cận nguồn tín dụng.

“Ngoài những lĩnh vực trên thì bất động sản cũng là một lĩnh vực cần chú trọng vào thời điểm này, đặc biệt là với những dự án còn đang dang dở, cần phải có nguồn tiền để tiếp tục hoàn thiện, sớm đưa ra sản phẩm mang lại lợi ích cho xã hội, cộng đồng. Nếu không tiếp cận được nguồn tín dụng thì các dự án này có thể sẽ không thể tiếp tục hoàn thiện, trở thành các dự án trì trệ, không thể giao sản phẩm tới tay khách hàng, ảnh hưởng đến an sinh, xã hội", TS. Nguyễn Hồng Minh nói.

Ông Minh cũng nhấn mạnh việc cần tiếp sức cho doanh nghiệp bất động sản uy tín, có dự án tốt bằng cách tạo điều kiện tiếp cận tín dụng. Ngoài ra, nên khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình, có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý rằng, để kiểm soát chặt nguồn tín dụng được bơm ra, các ngân hàng cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn nợ vay và khả năng thu hồi nợ, tránh rót vốn vào các hoạt động đầu cơ, không có lợi cho nền kinh tế.

NHNN nới room tín dụng: Tin vui cho thị trường cuối năm, BĐS được tiếp sức - 2

Chuyên gia cho rằng việc nới room tín dụng cần hướng đến những doanh nghiệp, dự án bất động sản tốt. (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, động thái nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% của NHNN là rất tích cực và cần thiết cho thị trường bất động sản thời điểm này. Song, việc nới thêm tín dụng chỉ giải quyết được một phần của nhu cầu cho những dự án bất động sản đang rất tốt, do đó cần thêm nguồn vốn để triển khai nốt, từ đó tăng thêm nguồn cung cho thị trường.

Theo ông Thanh, các nhà đầu tư cá nhân, người có nhu cầu mua nhà ở thực sẽ cân nhắc đến khả năng chi trả khi vay mua trong bối cảnh lãi suất đang cao. Bên cạnh đó, để kích thích được thanh khoản trở lại cần yếu tố từ hai phía là người mua và người bán. 

Mặt khác, nhu cầu ở thực đang rất lớn, song các chủ đầu tư cần xem xét đến giá bán phù hợp với khả năng chi trả của người mua. Mức giá nhiều dự án hiện nay đang khá cao, để có thanh khoản tốt, chủ đầu tư cần có những ưu đãi, chiết khấu để người mua cảm thấy phù hợp. Khi bán được hàng, các chủ đầu tư tiếp tục sẽ có nguồn vốn để triển khai các dự án khác, lúc này thị trường sẽ trở nên tốt hơn hiện tại.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị từng nêu quan điểm: "Các doanh nghiệp bất động sản theo đúng quy định pháp luật, có tín nhiệm, có dự án tốt đáp ứng được điều kiện thì cần được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng, để phát triển dự án bất động sản, góp phần tăng nguồn thu, đặc biệt là ưu tiên cho vay với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình".

Ngoài ra, phải tiếp tục kiểm soát phát hành trái phiếu, đồng thời cũng hướng dẫn thực hiện phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp bất động sản đúng quy định, tạo điều kiện không cản trở huy động vốn của các doanh nghiệp có đủ năng lực hoạt động kinh doanh tốt.

Tháo gỡ khó khăn thủ tục để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoàn thiện dự án, tạo nguồn cung cho thị trường. Khẩn trương rà soát quản lý quy hoạch xây dựng, thị trường bất động sản tại các địa phương, đặc biệt là giải pháp thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở công nhân mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, thực hiện đề án hoàn thành 1 triệu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

"Với các giải pháp đồng bộ được thực hiện quyết liệt cùng với sự phối hợp hiệu quả của các bộ ngành, địa phương, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp thì thị trường bất động sản của nước ta sẽ dần ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước”, Bộ trưởng Nghị nói.

Cũng theo ông Nghị, thị trường bất động sản nước ta trong thời gian qua đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô và trình độ, năng lực của các chủ thể tham gia thị trường... đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Các doanh nghiệp bất động sản theo đúng quy định pháp luật, có tín nhiệm, có dự án tốt đáp ứng được điều kiện thì cần được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng, để phát triển dự án bất động sản

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Không quá lo ngại về lạm phát

Nói về tác động của việc nới room tín dụng đến lạm phát, TS Cấn Văn Lực cho rằng tác động là không đáng kể do lượng vốn tín dụng tăng thêm khoảng gần 200.000 tỷ đồng, với khả năng hấp thụ nhanh và đáp ứng các nhu cầu thiết thực (dự án, công trình dở dang, người mua nhà, các hợp đồng xuất nhập khẩu và các khoản nợ đến hạn…

Tính đến hết tháng 11, lạm phát của chúng ta vẫn chỉ ở mức 3,5 - 3,6%, nền kinh tế tăng trưởng tốt khoảng 8,3 - 8,4%, vẫn nằm trong dự báo của chúng ta.

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Việc nới room tín dụng 1,5 - 2% cho tất cả các ngân hàng thương mại có khả năng cho vay mạnh hơn cho nền kinh tế dịp cuối năm này để các doanh nghiệp có nguồn vốn để mua nguyên vật liệu, trả lương cho công nhân và sản xuất các đơn hàng trong dịp cuối năm và đầu năm sau. Như vậy, việc tăng trưởng tín dụng trong thời gian này là hoàn toàn phù hợp”.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hồng Minh phân tích, do thời gian từ giờ đến Tết Nguyên đán không còn dài, do đó chính sách này sẽ không tác động nhiều đến diễn biến thị trường dịp cuối năm nay.

“Từ giờ đến cuối năm chúng ta còn rất ít thời gian, chỉ khoảng 1 tháng nữa. Do đó, diễn biến thị trường hầu như không chịu tác động”, ông Minh nói.

Các chuyên gia phân tích, ngay từ đầu năm NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ rất chặt chẽ. Mặc dù không tăng nhiều về lãi suất điều hành nhưng cung tiền được quản lý rất chặt thông qua nhiều công cụ. Trong khi hiện có nhiều tín hiệu cho thấy áp lực lên lạm phát có xu hướng dịu lại, như tình hình thế giới có chuyển biến tích cực khi lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ giảm mức độ tăng lãi suất... Cùng với việc nới room tín dụng, NHNN cũng được chỉ đạo là đảm bảo thanh khoản cho các TCTD trong mọi điều kiện, kể cả kéo dài các khoản tái cấp vốn cho các NHTM, thậm chí qua Tết Nguyên đán. Do đó, NHNN nới room tín dụng lần này cũng từ nền tảng tổng hòa của nhiều yếu tố trên.

Nhận định về diễn biến nợ xấu sau khi room tín dụng được nới thêm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, việc nới room tín dụng thời điểm cuối năm có thể gây khó khăn trong việc thu hồi nợ sau Tết. Tuy nhiên, NHNN cũng đã có lưu ý các ngân hàng, tổ chức tín dụng rằng việc nới room tín dụng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo các điều kiện để việc cho vay đi đúng chủ thể mà Chính phủ mong muốn và đảm bảo an toàn nợ vay. Các ngân hàng do đó phải tích cực xem xét, kiểm tra giám sát để phân loại nợ phù hợp và thu hồi nợ đầy đủ, đúng hạn.

Còn TS. Cấn Văn Lực cũng đưa ra bốn khuyến nghị để hạn chế tình trạng nợ xấu: Thứ nhất, các tổ chức tín dụng cần chủ động cân đối nguồn vốn huy động, đảm bảo thanh khoản, đảm bảo chất lượng và hiệu quả tín dụng.

Thứ hai, Bộ Tài chính cần khơi thông mạnh mẽ kênh dẫn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp (nguồn vốn trung - dài hạn quan trọng và cũng là để giúp doanh nghiệp thanh toán nợ đáo hạn).

Thứ ba, các bộ, ngành địa phương đẩy nhanh, hiệu quả giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi 2022-2023 nhằm giảm áp lực nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản giữa các doanh nghiệp, tăng tính lan tỏa và tạo động lực tăng trưởng trước mắt và lâu dài.

Thứ tư, Chính phủ chỉ đạo khoanh vùng, giải quyết nhanh, dứt điểm những vụ việc vi phạm trên thị trường vốn vừa qua, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, lấy lại niềm tin của thị trường, người dân và doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, việc Ngân hàng Nhà nước chính thức nới hạn mức tín dụng thêm 1,5 - 2%, tương ứng lượng vốn tín dụng tăng thêm khoảng 200.000 tỉ đồng.

Như vậy, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5 - 16% so với cuối năm 2021, nâng tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 vào khoảng 400.000 tỉ đồng (sau khi đã cộng cả hạn mức mới được cấp và hạn mức cũ còn lại).

Nguồn: VTC NEWS

hotline